Bạn đang cần tìm những địa điểm gần Hà Nội để “tạm trốn” deadline hay đơn giản chỉ là lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ của cả gia đình, bạn bè? Đừng bỏ qua làng cổ Đường Lâm – Sơn Tây cách Hà Nội chỉ khoảng 40km. Vậy, hãy theo dõi bài viết này để cùng khám phá làng cổ Đường Lâm xem nên ăn gì, chơi gì và ở đâu nhé.
I. Làng cổ Đường Lâm ở đâu?
Cách Hà Nội khoảng 45km, làng cổ Đường Lâm là một trong những điểm du lịch hút khách du lịch gần xa, đặc biệt với những du khách ghé thăm Hà Nội. Họ không thể bỏ lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng ngôi làng cổ, để cảm nhận hoặc quay trở lại tuổi thơ đúng chuẩn hương vị quê hương ra sao của mình.
Đường Lâm được biết đến là ngôi làng cổ lâu đời với nhiều nét đặc trưng vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay như: đình làng, giếng nước, cây đa,.. và đặc biệt là những ngôi nhà cổ. Nơi đây gợi nhớ cho bạn những kỷ niệm thuở ấu thơ với, những cảm xúc đầy hoài niệm và bình yên.
Đến đây bạn không chỉ được tìm hiểu những nét kiến trúc cổ kính của một làng quê Việt mà còn được khám phá văn hóa “sau lũy tre làng” từ chính người dân địa phương đã sống tại đây qua bao đời. Đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan những ngôi nhà cổ kính,và được trò chuyện cùng các vị “già làng” để lắng nghe những câu chuyện xưa hết sức ý nghĩa.
II. Cách di chuyển đến làng cổ Đường Lâm
Thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, làng cổ Đường Lâm nằm ngay cạnh ngã ba giao cắt giữa đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 32. Quãng đường cách không xa nên rất nhiều cách để di chuyển tới Đường Lâm, bạn có thể tham khảo
2.1 Đi bằng xe máy hoặc đi ô tô cá nhân
Lựa chọn xe máy “phượt” tới Đường Lâm cũng là một trải nghiệm thú vị không nên bỏ lỡ, chủ động được phương tiện và cả thời gian.
Có hai cung đường cho bạn lựa chọn: Cung đường thứ nhất là đi theo Đại lộ Thăng Long, sau đó rẽ phải ở ngã ba Hòa Lạc, tiếp tục đi theo đường 21 qua Sơn Lộc đến ngã tư sẽ có biển chỉ dẫn vào Đường Lâm. Cung đường thứ hai sẽ bắt đầu đi từ Hà Nội về phía Nhổn rồi lên Tây Sơn theo đường 32, sau đó gặp ngã tư giao nhau với đường 21 bạn sẽ gặp lối rẽ vào Đường Lâm ở bên trái.
2.2 Đi bằng xe buýt
Có ba tuyến xe buýt cho bạn lựa chọn: Xe số 20B, 70, 71 và 73 với giá vé là 14,000 VNĐ/người/chiều.
Xe 70 đi từ Kim Mã, xe 71 đón từ Mỹ Đình, và xe 73 đón khách tại Hà Đông đến điểm cuối là bến xe Sơn Tây. Từ đây bạn di chuyển tiếp bằng xe ôm hoặc gọi taxi để đi vào làng.
III. Khám phá làng cổ Đường Lâm
Khi đặt chân tới Đường Lâm, điều đầu tiên mà bạn cảm nhận được đó là một khung cảnh bình yên của làng cổ hiện hữu lên với những nét đặc trưng đúng phong vị của một ngôi làng cổ Việt Nam xưa cũ. Đó là hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, chùa miếu, đường làng quanh co, ngõ nhỏ, những ngôi nhà gỗ cổ, những bức tường được xây bằng gạch đỏ hoặc trát bùn xưa… và dưới đây là những địa điểm tham quan bạn không nên bỏ qua.
3.1 Cổng làng Mông Phụ
Cổng làng, cây đa từ lâu đã là biểu tượng của làng quê Việt Nam, nhưng hiện nay hầu như không còn nhiều vùng quê lưu giữ được nét đẹp này. Cổng làng là điểm đầu tiên khi đặt chân đến làng, là ranh giới giữa các làng với nhau, giữa làng với không gian bên ngoài. Trải qua năm tháng, cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới của làng, mà đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê.
Cổng làng nơi đây mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa của thời nhà Lê. Giống như nhiều chiếc cổng làng thời phong kiến khác, cổng làng Mông Phụ được làm bằng đá ong với hai cánh cổng hình cánh dễ làm bằng gỗ lim. Bên phải cổng là hồ nước rộng lớn còn bên trái là một cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi. Vì vẻ đẹp thoáng đạt yên bình này mà cổng làng Mông Phụ không chỉ là điểm nghỉ ngơi tham quan thú vị mà còn là nơi chụp ảnh lý tưởng của các du khách khi đến với Làng cổ Đường Lâm.
3.2 Đình làng Mông Phụ
Khi nhắc tới văn hóa làng, chúng ta vẫn thường nhắc đến hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình”. Vậy nên, đình làng là nơi chứa đựng nhiều câu chuyện văn hóa, tập hợp nét sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của người dân làng đó, là nơi mang đậm hồn quê mà những người xa quê luôn nhớ về và tìm về đầy xúc động.
Đình làng Mông Phụ xây dựng năm 1684, gồm Nghi Môn, sân đình, 2 tòa Tả Mạc và Hữu Mạc hai bên và tòa Đại đình ở giữa. Đây là kiến trúc kiểu chữ Công thường gặp ở các triều đại phong kiến xưa kia. Bên trong đình còn lưu giữ rất nhiều bức hoành phi câu đối cổ có niên đại mấy trăm năm.
3.3 Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh
Nằm trong khuôn viên thôn Mông Phụ, nhà thờ họ Giang là di tích được xây dựng từ thời vua Tự Đức nhằm tưởng nhớ công ơn của Thám hoa Giang Văn Minh - người được vua Lê Thần Tông cử đi sang Trung Quốc và sẵn sàng đối đáp với nhà vua và quần thần nhà Minh để bảo vệ danh dự dân tộc.
3.4 Các ngôi nhà cổ và gặp gỡ “nhân chứng” lịch sử
Một trải nghiệm đáng nhớ khi tới Đường Lâm đó chính là bạn phải đến từng nhà cổ, ngồi nói chuyện với các vị “lão làng” để được tìm hiểu về câu chuyện văn hóa, lịch sử và ý nghĩa của các kiến trúc thiết kế. Làng cổ Đường Lâm có tất cả 956 ngôi nhà cổ được xây dựng từ những năm 1649.
Các ngôi nhà ở đây đều được xây 5 gian hay 7 gian bằng các vật liệu truyền thống như gỗ xoan, tre nứa, gạch đất nung, ngói, đá ong, đất nện hay mùn cưa…Khuôn viên các ngôi nhà đều rộng rãi và phân thành nhiều khu: nhà chính, nhà ngang, sân, bếp, vườn, giếng nước, chuồng trại, cây rơm, cổng có mái che…Những ngôi nhà cổ đẹp nhất, nổi tiếng nhất ở Đường Lâm có thể kể đến đó là: nhà ông Nguyễn Văn Hùng, nhà cổ của ông Hà Nguyên Huyến, Nhà chị Dương Lan,…
Ngoài ra, bạn có thể tham quan một số địa điểm như: đền thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại vương), đền thờ và lăng Ngô Quyền, Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), thành cổ Sơn Tây, Đền Và, Đền Măng Sơn,…
IV. Ăn gì tại làng cổ Đường Lâm?
Về vùng đất Sơn Tây, món ăn bạn không thể bỏ qua đó là gà mía cho bữa chính và thưởng thức món đặc sản chè lam đậm vị chỉ có tại nơi đây. Gà mía là giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, da giòn, mỡ dưới da ít và vô cùng thích hợp đối với các hình thức chăn nuôi thả đồi tự nhiên.
Bạn cũng có thể nếm những chiếc bánh tẻ nóng hổi hoặc đặt làm một bữa cơm quê chính hiệu với món thịt quay đòn óng vàng, thơm nức mũi hay món gà mía giòn dai, thơm ngọt. Trong mâm cơm quê đó không thể thiếu một đĩa rau muống chấm tương hoặc món cà dầm tương hay món thịt luộc dầm tương vô cùng hấp dẫn. Ẩm thực Đường Lâm cũng chính là một yếu tố níu chân bao người qua những mùa nắng mưa.
Dù là thưởng cơm hay thưởng trà thì những mẹt đựng đậm chất thôn quê cùng những lời mời chào nhẹ nhàng thân tình và sập kệ ngồi mộc mạc trong không gian bình lặng, cổ kính của những ngôi nhà cổ cũng tạo nên cảm giác vô cùng đặc biệt và ngon miệng.
V. Lưu trú ở đâu khi đến làng cổ Đường Lâm?
Để tận hưởng trọn vẹn không khí yên bình của làng quê, bạn nên ở lại qua đêm tại Đường Lâm để trải nghiệm. Nếu tìm một nơi gần Hà Nội để “trốn” phố xá tấp nập, nhộn nhịp, để tìm về chốn bình yên, an nhiên thì làng cổ Đường Lâm là một lựa chọn đúng đắn.
Homestay ở đây đều được xây dựng theo lối đơn giản nhưng tiện nghi và vô cùng thoải mái cho du khách. Một số homestay bạn có thể lựa chọn tại làng cổ Đường lâm như: Đường Lâm Village, Chicken's House - Đường Lâm Homestay, DUKA HOMESTAY.
>>> Xem ngay danh sách homestay ở đường Lâm yên tĩnh. Nếu bạn muốn tư vấn lựa chọn phòng phù hợp có thể liên hệ với chúng tôi theo hotline: 0919.501.881 để được tư vấn MIỄN PHÍ.
VI. Kinh nghiệm nên đi du lịch Đường Lâm vào thời điểm nào?
Mỗi thời điểm, làng quê ấy lại có những vẻ đẹp dung dị riêng có. Nhưng thời gian đẹp nhất để khám phá Đường Lâm có lẽ là tháng 5,6 mùa lúa chín. Lúa vàng đòng đòng ươm trải dài bạt ngàn, đâu đó vẫn thấy những chú bò vàng ở xa xa tạo nên bức tranh vẽ làng quê thật bình yên.
Ngoài ra, bạn có thể đến thăm làng cổ Đường Lâm vào dịp cuối năm hoặc đầu năm. Đầu năm cũng chính là mùa lễ hội của dân làng. Thời gian này nếu ghé thăm làng cổ, bạn sẽ được tham gia một số hoạt động trò chơi dân gian và tìm hiểu nhiều phong tục đặc trưng vẫn còn lưu giữ bao đời nay mỗi độ Tết đến xuân sang.
Một số kinh nghiệm cần lưu ý khi du lịch làng cổ Đường Lâm:
- Khi vào thăm quan Làng Cổ, các bạn cần mua vé ở cổng làng Mông Phụ, giá vé 20k/1 người.
- Tham quan Làng Cổ thích hợp nhất là đi bộ hoặc đi xe đạp vì bạn có thể đi vào từng ngõ ngách của làng mà không phá vỡ sự tĩnh lặng, yên bình của những ngôi nhà cổ nơi đây.
- Đi xe đạp tới các điểm thăm quan thì các bạn nên chú ý giữ xe cẩn thận nhé.
- Nếu các bạn muốn đặt ăn trưa thì các bạn nên tìm địa điểm liên hệ trước để đi chơi về là có cơm ăn luôn nhé.
- Khi vào tham quan các nhà cổ, các bạn nhớ chào những người trong gia đình, xin phép một cách lịch sự.
- Đoạn đường gần vào Làng Cổ Đường Lâm thường hay có các chú “áo vàng” đứng. Các bạn chú ý nha
VII. Hình ảnh Làng Cổ Đường Lâm
>>> Xem ngay danh sách homestay ở đường Lâm yên tĩnh. Nếu bạn muốn tư vấn lựa chọn phòng phù hợp có thể liên hệ với chúng tôi theo hotline: 0919.501.881 để được tư vấn MIỄN PHÍ.
Hy vọng với những kinh nghiệm về điểm lưu trú, ăn gì, chơi gì tại làng cổ Đường Lâm trên, bạn đã có thể “bỏ túi” cho mình để lên kế hoạch cho chuyến trải nghiệm khám phá làng cổ Đường Lâm tuyệt vời.
||Có thể bạn quan tâm: