Không phải tốn thời gian tiền bạc để đi dọc Việt Nam, check-in tại các điểm du lịch nổi tiếng, vì các bạn có thể chiêm ngưỡng tất cả ngay tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam - Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.


 

Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam

Chỉ cách Hà Nội hơn 40km, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Khu bảo tồn là nơi tái hiện đời sống sinh hoạt các tộc người trên khắp nước Việt Nam, được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ với nhiều thung lũng và hồ nước bao quanh. Chính vì thế địa hình nơi đây rất đa dạng, phong phú với nhiều cảnh quan đẹp phù hợp để du khách tới tham quan và du ngoạn, tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục của các dân tộc anh em.

Di chuyển tới làng văn hóa

  • Phương tiện cá nhân:

Từ Hà Nội đi thẳng hướng Đại lộ Thăng Long khoảng 36 km, tới khi nhìn thấy biển chỉ dẫn lối đi Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ở vòng xuyến, đi theo lối ra thứ nhất là tới nơi.

  • Xe bus đi làng văn hóa các dân tộc:

Tuyến 107: Kim Mã (Toàn nhà PTA Kim Mã) - Làng Văn hóa Du Lịch các Dân Tộc

Do diện tích chỗ này rất rộng nên sẽ tốn nhiều thời gian đi lại, bạn có thể đi bộ hoặc sử dụng dịch vụ xe điện vừa hiện đại lại thân thiện với môi trường. Xe điện 10-12 chỗ hoạt động hàng ngày từ 8h đến 17h, có lịch trình tham quan rõ ràng. Giá trung bình từ 20.000đ – 35.000đ/người/chuyến, miễn phí cho trẻ em.

Nghỉ ngơi, ăn uống tại làng văn hóa

  • Nhà sàn dân tộc:

Sức chứa mỗi nhà sàn khoảng 40 – 80 người, trang bị điện nước đầy đủ, nhà tắm và chăn đệm sạch sẽ. Giá thuê của nhà sàn dao động từ 50.000đ – 100.000đ/người/đêm.

  • Nhà dịch vụ làng III:

Tại Khu làng III có khu nhà dịch vụ được xây dựng hiện đại không chỉ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi mà còn để khách sử dụng tổ chức các hội nghị, sự kiện nhỏ. Nhà 2 tầng gồm nhiều phòng ngủ, vệ sinh khép kín, đầy đủ điều hòa, nóng lạnh và có cả bồn tắm. Đặc biệt có vị trí thuận lợi, phía trước là quần thể tháp Poklongarai của người Chăm, phía sau là khu nước Đồng Mô thơ mộng phù hợp để thư giãn yên tĩnh cuối tuần.

 

Có gì chơi ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam?

  • Khu các làng dân tộc:

Khu vực này là điểm đầu tiên mà các bạn nên tham quan khi tới đây. Khu này chia làm 4 cụm làng tương ứng với từng vùng miền, quần thể tái hiện làng, bản các dân tộc Việt Nam với kiến trúc dân gian. Đây cũng chính là điểm các lễ hội văn hóa truyền thống như: chợ phiên Tây Bắc, lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam), lễ hội trỉa lúa của dân tộc B’râu (Kon Tum), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)… được tái hiện mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền đất nước.

  • Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí:

Nằm ở khu vực trung tâm có nhiệm vụ kết nối cổng chính và các khu chức năng. Đây là một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí những vẫn mang đậm nét văn hóa dân tộc.

  • Khu di sản thế giới:

Quần thể tái hiện các công trình kiến trúc nổi tiếng của thế giới như tháp Eiffel, Vạn lý trường thành, Kim tự tháp Ai Cập…

  • Khu công viên và bến thuyền:
  • Khu vực dịch vụ gắn với mặt nước hồ Đồng Mô và cổng B của làng văn hóa.

Giá vé Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

- Người lớn: 30.000 đồng/lượt.

- Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề (yêu cầu thẻ sinh viên): 10.000 đồng/lượt.

- Học sinh tại các cơ sở giáo dục phổ thông (cấp 1, cấp 2, cấp 3): 5.000 đồng/lượt.

- Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí.

 

Một vài tips nhỏ khi tới Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

- Đồ ăn: Trong làng văn hóa có quầy mua nước, đồ ăn bên ngoài. Nếu du khách đi lại trong ngày và muốn tự mang đồ ăn nhanh đi vẫn có thể mang từ ngoài vào.

- Nơi chụp ảnh "sống ảo": Hầu hết mọi người tới đều muốn check-in chùa Khmer và tháp Chăm, 2 nơi này ngay cạnh nhau nên chỉ cần gửi xe 1 lần và vào chụp ảnh thỏa thích. Ngoài ra, bạn cũng nên ghé qua các làng dân tộc hay tượng đá ngay từ cổng vào để tìm được các góc chụp cho mình trước khi đi sâu hơn.

- Mang nhiều váy áo đi thay để phù hợp với khung cảnh từng khu vực rất ok bởi trong làng cứ 1 đoạn lại có 1 nhà vệ sinh rất thuận tiện.