Table of Contents
1. Sự kết hợp văn hóa của nhiều quốc gia
Nhìn vào bàn ăn của người Nhật, có thể nhận thấy rằng ẩm thực Nhật Bản là sự kết hợp văn hóa đến từ nhiều quốc gia. Chắc hẳn bạn không biết rằng, món Ramen trứ danh lại có nguồn gốc từ Trung Quốc, qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp, Nhật Bản đã tạo ra một món ăn có hương vị riêng, mang đặc trưng của đất nước Nhật Bản.
Một món ăn khác cũng ghi mình vào top những món ăn hàng đầu tại quốc gia này đó chính là Cà ri. Cà ri vốn là món ăn được du nhập vào Nhật Bản từ Anh Quốc, và nó đã trở nên rất phổ biến vào cuối những năm 60 của thế kỉ XX. Hiện nay, 4 lần/ tháng là tần suất ước tính mà các gia đình ở Nhật Bản sử dụng món ăn này. Tuy là món ăn du nhập từ nước ngoài nhưng dĩ nhiên, cà ri Nhật Bản luôn mang hương vị đặc trưng khó lẫn vào đâu được của xứ sở Mặt trời mọc.
2. Quy tắc "tam ngũ"
Quy tắc “tam ngũ” ở đây bao gồm: ngũ vị, ngủ sắc và ngũ pháp. Bộ 3 yếu tố này gọi là tam ngũ, quy luật phản ánh sự tôn sùng và yêu thiên nhiên của người Nhật. Đây cũng chính là bí quyết “thần thánh” giúp các đầu bếp Nhật Bản chinh phục mọi tín đồ ẩm thực trên toàn thế giới.
Ngũ sắc có: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen, đại diện cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Không phải ngẫu nhiên mà bàn ăn của người Nhật lúc nào cũng nhiều màu sắc, vô cùng bắt mắt. Màu trắng bao gồm các nguyên liệu từ cơm, thịt cá, củ cải, nấm. Màu đỏ đặc trưng được làm từ các loại thịt, cá, trứng. Các loại thảo dược, rau củ, nấm sẽ góp phần tạo nên những màu tương ứng như xanh, vàng, đen.
Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng, mặn. Vị ngọt trong các món ăn của Nhật Bản không phải là vị ngọt như đường, mà chính là vị ngọt từ hải sản, nước hầm thịt, thịt nướng. Ví dụ món bánh xèo Nhật Bản luôn có vị thanh nhẹ khi đầu bếp tận dụng những nguyên liệu thiên nhiên và nước sốt. Người Nhật luôn ưu tiên sử dụng những gia vị tự nhiên nhằm tôn lên vị thanh nhẹ của món ăn, và lý do họ không ưa dùng những gia vị mạnh là để tránh lấn át mùi thức ăn và cũng thể hiện sự tôn trọng thực phẩm và giữ gìn sức khỏe.
Và ngũ pháp là: sống, ninh, nướng, chiên và hấp. Nguyên tắc này là bí quyết giúp những người nội trợ tại Nhật Bản luôn có thực đơn phong phú với nhiều cách chế biến khác nhau. Dù là chế biến theo cách nào thì đều phải đáp ứng nguyên tắc 5 vị bên trên, đặc biệt là giữ lại được vị ngọt thanh tự nhiên. Các cách chế biến này được áp dụng trên những thực phẩm tươi ngon nhất, những sản vật theo mùa để đảm bảo hương vị tươi ngon nhất cho bữa ăn và cũng là cách để tôn trọng vòng tuần hoàn phát triển của thiên nhiên.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh
Thói quen ăn uống của người Nhật rất lành mạnh, đa số là các thực phẩm ít béo như các loại cá, rau củ, cũng như nêm nếm gia vị và tối giản hóa các bước nấu nướng. Đây cũng là bí quyết giúp người Nhật duy trì độ tuổi trung bình thuộc mức cao nhất trên thế giới.
- Người Nhật ăn rất nhiều cá: Thay vì ăn nhiều thịt đỏ (bò, heo) thì người Nhật ưu tiên các loại cá biển và hải sản giàu acid béo omega. Lý do là vì những loại thực phẩm này chứa nhiều nguyên tố vi lượng giúp cơ thể đầy năng lượng mà lượng calo nạp vào cơ thể lại tương đối ít.
- Ăn nhiều rau xanh: Người Nhật có rất nhiều món ăn được chế biến từ thực vật, các loại đậu, salad,… và cũng thường xuyên ăn trái cây trong các bữa ăn hằng ngày.
- Sử dụng ít gia vị: Giữ hương vị nguyên bản của thực phẩm là nguyên tắc vàng trong chế biến ẩm thực Nhật Bản. Họ sử dụng rất ít phụ gia, đặc biệt là muối, điều này giúp cho đồ ăn có vị ngọt, tươi ngon thuần túy.
- Ăn no đến 80%: Hay còn gọi là phương pháp Hara Hachi Bu. Chỉ cần ăn no đến 80% thì sẽ ngừng ăn dù rất ngon miệng, điều này giúp làm giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, cơ thể cũng nhẹ nhàng sau khi ăn.
- Các món lên men là không thể thiếu: Các món như súp miso, nước tương, mơ ngâm, đậu nành lên men là các món ăn không thể thiếu trong ẩm thực Nhật Bản, giúp hỗ trợ tiêu hóa và giúp cho đường ruột khỏe mạnh hơn.
4. Mỗi món ăn mang một ý nghĩa riêng
Không chỉ đẹp mắt, tinh tế ở vẻ bề ngoài, mỗi thực phẩm hay món ăn của người Nhật đều mang những ý nghĩa riêng, những lời chúc gửi đến người thưởng thức. Ví dụ:
- Tôm: Thể hiện mong ước trường thọ. Món tôm lưng gù với bộ càng dài thường được xuất hiện vào ngày tết mang ý nghĩa như lời chúc trường thọ và sự khởi đầu may mắn.
- Trứng cá tuyết: Lời chúc cho gia đình sung túc, sum vầy.
- Đậu phụ: Chúc cho sức khỏe dồi dào.
- Cá Tai – Màu đỏ của sự may mắn.
- Khoai so Satoimo: Lời chúc cho gia đình ngày càng phát triển, hòa thuận.
- Món rong biển cuộn: Lời chúc hạnh phúc trong năm mới.
- Món Tempura: Lời chúc trường thọ.
5. Các quy tắc trên bàn ăn
Mỗi một quốc gia sẽ có những quy tắc riêng khi ăn, và Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ, nhất là khi con người nơi đây nổi tiếng với sự tỉ mỉ và cẩn thận. Lưu lại ngay những quy tắc trên bàn ăn này để tránh sai sót và để lại ấn tượng không tốt khi dùng bữa cùng người Nhật nhé!
- Cảm ơn/ mời trước khi ăn: “Itadakimasu” (Xin phép dùng ạ/Cảm ơn vì món ăn).
- Khi ăn thức ăn nên ăn cả miếng và không nên để phần cắn dở vào bát/đĩa của mình. Nếu miếng quá to, hãy dùng tay che miệng.
- Người Nhật rất kiêng kị việc chuyền và nhận thức ăn bằng đũa (Vì liên quan đến 1 nghi thức trong đám tang).
- Không dùng đôi đũa đang ăn để gắp cho người khác, nên dùng đũa mới.
- Không để đũa lên miệng bát. Người Nhật thường để đũa lên chiếc gác đũa.
- Không dùng tay hứng đồ ăn bị rơi, khi lấy đồ ăn, bạn hãy dùng bát của mình để hứng.
- Không để xương, vỏ hải sản vào nắp bát hoặc bát đĩa khác. Hãy để vỏ hải sản vào đĩa đựng món ăn sau khi kết thúc để tránh bị coi là bất lịch sự.
Văn hóa ẩm thực Nhật Bản không chỉ là vẻ đẹp, sự hấp dẫn của món ăn, mà còn chứa đựng cả sự sáng tạo, khéo léo, ý nghĩa, và cả nền văn hóa tinh tế, phong cách sống tối giản của người Nhật. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có những trải nghiệm trọn vẹn nhất khi ghé thăm xứ sở Mặt Trời mọc!