Văn hóa đời sống tinh thần chiếm một vị trí quan trọng đới với người Việt Nam nói chung và từng dân tộc nói riêng. No được xem là "linh hồn" của dân tộc, bởi vậy cần được giữ gìn và phát huy những giá trị đó trường tồn theo thời gian. Hãy cùng bài viết này tìm hiểu về văn hóa cưới hỏi ở tộc người Thái Trắng - Mộc Châu nhé!
Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc với khí hậu thiên nhiên quanh năm mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ nhưng vẫn mang trong mình nét lãng mạn mà không nơi nào có được. Tại đây, người Thái trắng chiếm dân số lớn nhất và mang những nét văn hóa vô cùng đặc sắc, đặc biêt được thể hiện qua lễ cưới hỏi. Mặc dù đã được thay đổi nhưng vẫn giữ được nhiều nét truyền thống từ xa xưa.
Điều đặc biệt ở tục lễ cưới hỏi của người Thái Trắng có lẽ thể hiện ở việc chú rể mới phải ở rể vài năm, sau đó trải qua những thử thách làm nương, rẫy ở nhà vợ của mình, Đó cũng được xem là cách chú rể mới báo hiệu với bố mẹ vợ - người đã sinh ra người bạn đời của mình. Và đây cũng là thời gian mà chú rể có cơ hội được gần gũi hơn với gia đình bên nhà vợ. Về các bước thực hiện cưới hỏi cũng gần như dân tộc Kinh.
Trai, gái yêu nhau có thể tự đến với nhau chứ không phải "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Khi cả hai quyết định đến hôn nhân, người con trai sẽ trình báo với bố mẹ sau đó tìm ông mối hoặc bà mối để đến ăn hỏi. Người mai mối phải là người trong dòng họ, am hiểu về văn hóa dân tộc, phải là người có gia đình hạnh phúc.
Sính lễ cho ngày “dạm hỏi” sẽ gồm: thường là đôi vòng bạc, một đôi chiếu hoa, 1 áo cóm, 1 chiếc váy, 1 khăn piêu, 4 sải vải trắng, ít tiền theo yêu cầu của nhà gái, đôi gà để nhà gái cúng tổ tiên, một cái chăn, một cái đệm, một gối mới để chú rể ngủ trong thời gian làm rể. Lễ ăn hỏi và tổ chức cưới sẽ được diễn ra tại nhà gái, sính lễ lúc này là đôi gà, lợn, gia đình nào có điều kiện hơn thì sẽ mổ bò, nhưng lớn thì bắt buộc phải có để cúng tổ tiên nhà gái.
Theo phong tục, nhà trai sẽ mang đến nhà gái một con lợn chừng 1 tạ, rượu và gạo thì tùy thuộc vào lượng khách và họ hàng nhà gái, it nhất là 2 đôi gà (có thể đến 5,6 đôi tùy thuộc vào số bàn thờ của nhà gái), 5 hoặc 7 hoặc 9 đôi ống chua, ngọt (tùy theo họ nhà gái). Ống chua có thể là cá chua, hoặc thịt chua; ống ngọt là mật mía hoặc đường; mỗi ống khoảng 5 lạng. Thêm 5 hoặc 7 hoặc 9 giỏ trứng. Các giỏ này phải theo thứ tự: giỏ 1 có 1 quả, giỏ 2 có 2 quả, cứ thế đến giỏ 9 có 9 quả. Còn phải chuẩn vòng bạc cổ, vải trắng, vải thổ cẩm đen, thổ cẩm đỏ, 5-7 gói thuốc lào, 5-7 gói lá trầu không, 5-7 gói vỏ chay hoặc quả cau đặt lên ban thờ tổ tiên họ nhà gái. Tiền đặt ban thờ tùy thuộc vào hai gia đình thống nhất.
Ông Lò Văn Thắng, ở bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, cho biết: “Ngày đến thăm nhà gái, bên nhà trai sẽ gởi gắm con trai cho nhà gái dạy dỗ, thử thách trước khi xây dựng gia đình. Sau một thời gian người ta mới cho mai mối đi hỏi. Lễ ăn hỏi và tổ chức cưới bên nhà gái, nhà trai phải có đôi gà, con lợn; gia đình nào có thì mổ con bò, nhưng vẫn phải có con lợn để cúng tổ tiên nhà gái. Người con trai sẽ ở rể một thời gian rồi người ta mới cho đón dâu về nhà”.
Và thời gian “thử thách ở rể” cũng chính thức bắt đầu từ đây. Chú rể sẽ phải chăm chỉ lao động, cùng ăn với cả gia đình vợ, chỉ có điều anh ta chưa được ngủ cùng cô gái, mà phải ngủ ở vị trí dành cho khách (người Thái gọi là khơi).
Tùy gia đình nhà gái, rể mới sẽ ở nhà vợ ít nhất là 3 tháng, theo tục lệ xưa là 3 năm, sau 3 năm thử thách mới chính thức thành vợ chồng và được ngủ chung. Tục lễ ở rể này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Thái, mang ý nghĩa khi người đàn ông chứng tỏ được vai trò, khả năng lao động có thể nuôi được vợ con thì lúc đó mới được làm lễ cưới lần hai và dẫn vợ về nhà.
Sau thời gian ở rể, Khi đoàn đón dâu đến, mẹ chồng ra đón, dắt tay cô dâu cùng con trai lên cầu thang vào trong nhà, cho cô dâu ngồi ghế mây rồi rửa chân cho cô dâu. Sau đó, dắt cô dâu ngồi giữa chiếu đặt giữa gian nhà, chờ ông mo cúng thổ công, cúng tổ tiên, khi cúng xong mới được ra chỗ khác. Sau đó ông mo sẽ cúng cho nhập họ nếu nhà gái đã cho cắt họ. Cúng xong, mọi người cùng ăn uống chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Các cụ già thì hát mừng đón dâu, trao dâu, nhận dâu... Thanh niên thì hát giao duyên cho đến tận khuya.
Để đôi uyên ương được ngủ chung với nhau thì hai gia đình phải tiến hành làm lễ "tăng cẩu" (búi tóc), chính thức công nhận họ là vợ chồng. Búi tóc của người phụ nữ Thái đen từ thời điểm này được coi như là một dấu hiệu thông tin cho mọi người biết họ đã có chồng. Để làm lễ này, nhà trai lại phải mang tới nhà gái một số lễ vật. Theo tục lệ, lễ "Tăng cẩu" được thực hiện ở gian gần bếp, người ta chuẩn bị một chậu nước lá thơm. Đại diện phía nhà trai gội đầu, chải tóc và búi tóc cho cô dâu. Tóc được búi lên, cuộn lại bằng một dây xà tích bằng bạc và cài một chiếc trâm bạc giữ cho tóc không bị xổ ra. Trong lúc búi tóc cho cô gái, đại diện hai nhà cùng uống rượu và hát đối đáp "khắp toóc". Nội dung của các bài khắp nói lên hoàn cảnh của mỗi nhà và những lời dặn dò đôi trai gái.
Qua nhiều năm với sự phát triển của xã hội, tục cưới xin của đồng báo Thái ở Mộc Châu ngày nay không còn cầu kỳ như trước, nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc.