Table of Contents
Chỉ với 5 tiếng đồng hồ lái xe là bạn có thể "chạm" đến nơi núi rừng hùng vỹ, cảnh đẹp thơ mộng Mộc Châu, và đặc biệt được tham gia lễ hội Hết Chá của người dân tộc Thái trong tháng Ba này. Đây được xem là lễ hội độc đáo nhất của người Thái, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về lễ hội và tham khảo một số điểm lưu trú tại Mộc Châu tại bài viết này nhé!
Cứ đến độ hoa ban nở trắng núi rừng là đồng bào dân tộc Thái lại tưng bừng với lễ hội Hết Chá - lễ hội để tạ ơn, bày tỏ lòng thành kính với thầy mo, người mà dân bản nhờ cậy mỗi khi có bệnh hoặc có việc về tâm linh.
Thời điểm tổ chức lễ hội Hết Chá
Ý Nghĩa của lễ Hội
Lễ hội Hết Chá là một trong những lễ hội mang tính tâm linh. Là dịp để người dân tạ ơn đất trời tạ ơn người sinh thành, những người thân quá cố. Đồng thời cũng là dịp để kết nối cộng đồng, để giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Lễ hội cũng là thời điểm để người dân bày tỏ nỗi lòng với trời đất để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật hòa hợp, cuộc sống yên vui, mùa màng bội thu….
Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, thời điểm nông nhàn, đây là dịp để người dân tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng nhằm tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái, nâng cao đời sống.
Đây cũng là hoạt động tín ngưỡng dân gian nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu tinh thần cho đông đảo quần chúng nhân dân. Việc phục dựng, duy trì lễ hội truyền thống đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với Mộc Châu. Bên cạnh đó, nó cũng là dịp thể hiện tính nhân văn, tôn vinh thầy thuốc với những nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ người đã chữa khỏi bệnh cho người dân, bản làng, các gia đình...để cuộc sống nhân dân được yên bình.
Lễ hội Hết Chá được diễn ra như thế nào?
Khác hẳn với các lễ hội từng diễn ra ở Tây Bắc, lễ hội Hết Chá có phần lễ và phần hội xen lẫn nhau. Phần lễ là dịp để người con nuôi bày tỏ lòng thành kính với thầy mo đã chữa bệnh cho mình, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Với những tích truyện xưa được kể và dựng lại bởi chính những người dân bản, người tham dự lễ hội sẽ được truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cũng như nghe những lời răn dạy để sống tốt hơn. Các hoạt động phần lễ diễn ra xung quanh một cây nêu, thân cây mang đầy đủ ý nghĩa với các loài động thực vật, trống chiêng… tượng trưng cho sự sống, cho mùa xuân của núi rừng Tây Bắc.
Khi cây nêu được dựng lên, ông trưởng bản đứng lên cất lời mời gọi thần linh xuống ăn Tết giữa mùa hoa ban nở. Lời hát vừa dứt, tiếng chiêng tiếng trống vang động núi rừng, trai gái xúng xính áo quần cùng xòe vòng, xòe hoa. Khi bài xòe kết thúc, trưởng bản cầm kiếm khua vòng quanh, miệng cầu khấn theo nghi thức truyền thống. Trong lời khấn có ý tứ nhắn nhủ: “được ăn đừng quên đũa, được ở đừng quên ơn” (Đáy kịn sớ nha lưu thú; Đáy dú nha lúm công lưm khun). Khấn xong ông trưởng bản hướng dẫn thanh niên trai gái lên tặng quà tỏ lòng biết ơn, thường là gạo, gà, cá, đấu xôi, quả trứng…, ai có gì thứ gì thì mang thứ đó không câu nệ, góp phần vào vui chung cả bản. Những hoạt động trong phần lễ mang nét đẹp nhân văn đằm thắm, thể hiện truyền thống nhân nghĩa, không quên nguồn cội của dân tộc Việt.
Phần hội diễn ra những trò dân gian vui nhộn, dạy con cháu khai hoang ruộng, tập cho trâu cày, tái hiện nền văn minh lúa nước của đồng bào dân tộc. Đan xen một số tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó là những điệu xòe uyển chuyển nhịp nhàng, duyên dáng quanh cây nêu hòa cùng tiếng chiêng tiếng trống rộn rã và âm thanh trầm bổng của tiếng sáo trúc, đội nhạc như đang mời gọi. Điệu xòe trong lễ hội Hết Chá được gọi là “Xòe Chá” gồm 6 mục chủ yếu, mỗi mục gắn với một sự việc, được minh họa bằng kịch câm. Những điệu hát được soạn thành thơ, như ca ngợi tình yêu đôi lứa, vợ chồng.
Từ những năm 1960 trở về trước, lễ hội Hết Chá thường xuyên duy trì tổ chức đều đặn hàng năm vào mùa xuân bởi các cá nhân, gia đình có điều kiện luân phiên đứng ra tổ chức với sự tham gia của cộng đồng. Từ giữa những năm 60 trở lại đây, lễ hội Hết Chá đã bị mai một dần do chiến tranh, lớp nghệ nhân già mất đi, thanh niên trai tráng lên đường chiến đấu nên các nghi thức Hết Chá bị thất truyền. Với mong muốn phục hồi lại lễ hội độc đáo, giàu bản sắc này, những người cao tuổi Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã nghiên cứu, chắt lọc rồi phục dựng lễ hội để lưu truyền cho lớp thế hệ trẻ về sau. Từ năm 2006 đến nay, lễ hội Hết Chá được duy trì thường xuyên mỗi mùa hoa ban nở, trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người Thái ở Bản Áng, Đông Sang nói riêng và của cao nguyên Mộc Châu, núi rừng Tây Bắc nói chung.
Năm nay, cũng theo thông lệ, lễ hội Hết Chá được tổ chức vào ngày 25-26/3. Cũng tại lễ hội này, đồng bào người Thái đã vui mừng khi huyện Mộc Châu đã công bố quyết định Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Hết Chá là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Việc lễ hội Hết Chá được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ góp phần thu hút du khách đến với bản Áng, quảng bá du lịch Mộc Châu, phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa: ẩm thực, trang phục, diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa... của tộc người Thái nơi đây.